Tỷ giá vẫn ổn định, lạm phát chịu áp lực

Khác với diễn biến của thời điểm đầu năm 2017, thị trường tỷ giá biến động mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Nếu trước đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tỷ giá VND/USD sẽ biến động từ 1 đến 1,5% trong năm 2018, thì hiện nay các chuyên gia đã nâng mức này lên 1-3%.

Trong nhiều phiên giao dịch kể từ giữa tháng 3 đến nay, tỷ giá liên tục được điều chỉnh khá mạnh cả với thị trường chính thức và tự do. Sự biến động này do Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá trung tâm. Cụ thể, phiên giao dịch giữa tháng 3, tỷ giá trung tâm của VND với USD được công bố ở mức 22.450 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước: 22.700 VND/USD (mua vào) – 23.115 VND/USD (bán ra). Sau đó, tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh tăng 15 VND/USD, lên mức 22.465 VND/USD; còn tại các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra cao nhất đã “leo” lên ngưỡng 22.795 VND/USD.

Sự biến động của tỷ giá trong nước phụ thuộc khá lớn vào đà tăng giá của đồng USD trên thị trường thế giới. Đồng USD đã trải qua phiên tăng giá cao nhất trong vòng hơn 2 tuần sau phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội của Chủ tịch mới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thị trường tiền tệ, chứng khoán và nợ toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng bởi nỗi lo lạm phát của Mỹ tăng và có thể khiến FED tăng lãi suất hơn 3 lần trong năm nay như dự kiến. Điều này được dự báo cũng sẽ tạo áp lực lớn lên VND. Thống kê cho thấy, trong vòng 1 tháng, giá USD đã tăng 70 VND/USD, mức tăng cao so với nhiều thời điểm trước.

Lý giải về việc tỷ giá tăng cao, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong những phiên vừa qua, tỷ giá trong nước đã bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố khách quan, cũng như những vấn đề nội tại của nền kinh tế. Các yếu tố bên ngoài là việc FED có khả năng tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp thị trường chứng khoán đã phản ứng giảm điểm. Nếu lãi suất USD tăng, giá trị USD tăng, gây áp lực lên tỷ giá. Các yếu tố khác, trong đó có việc bất ổn chính trị ở một số quốc gia, có thể tạo ra các khủng hoảng, từ đó đẩy giá trị đồng USD lên cao.

Mới đây, Ngân hàng HSBC Việt Nam đã công bố báo cáo trong đó đưa ra nhận định, tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ trong năm 2018 tiếp tục ổn định mức ở 22.900 đồng/đô la nhưng lạm phát sẽ chịu nhiều áp lực từ giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Vì vậy, ngân hàng này đưa ra lời khuyến nghị với các doanh nghiệp là tận dụng lãi suất đang ở mức thấp để đầu tư những dự án dài hạn, nhưng phải đảm bảo về mặt tài chính để tránh rủi ro.

Cơ sở của nhận định này, theo các chuyên gia phân tích của HSBC là việc dòng vốn đi vào Việt Nam tiếp tục tốt như năm 2017. Năm ngoái, dự trữ ngoại hối và nguồn cung đô la Mỹ lớn nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài và các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tăng. Trong số này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế là 13-14 tỉ USD, hoạt động M&A mang đến 6 tỉ USD… Vốn đi vào lớn, về lý thuyết sẽ khiến đồng Việt Nam tăng giá so với đồng đô la Mỹ. Nhưng Chính phủ muốn hỗ trợ xuất khẩu nên tỷ giá năm qua cũng như thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, chấp nhận đồng Việt Nam yếu đi so với đồng đô la Mỹ.

Các chuyên giá HSBC cho rằng, tỷ giá năm 2018 của Việt Nam vẫn sẽ ổn định, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo tăng lãi suất ba lần trong năm. Bằng chứng là ngày 22.3, khi Fed tăng lãi suất thêm 0,25%, thị trường trong nước cũng không biến động.

Về lạm phát, HSBC Việt Nam đánh giá sẽ chịu nhiều áp lực từ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Đây là những mặt hàng có khả năng tăng trong năm. Xăng dầu thì phụ thuộc vào giá thế giới. Trong khi đó, nhóm lương thực thực phẩm vốn có mức lạm phát thấp trong năm 2017 dù chịu tác động mạnh của lũ lụt (vì năm 2016 trước đó đã tăng cao) cũng có nhiều khả năng tăng trong năm 2018 và tác động ngay lên lạm phát chung. Các nhóm mặt hàng khác như giáo dục, y tế cũng có khả năng tăng nhưng đây lại là các yếu tố mà Nhà nước có thể điều chỉnh được.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng lạm phát có khả năng vượt mức chỉ tiêu 4% vào khoảng tháng 6, tháng 7 nhưng cuối năm sẽ về mức 3,7%. Và với bối cảnh như vậy, lãi suất tiền đồng được dự báo tiếp tục ổn định. Lãi suất chính sách cuối kỳ ở mức 6,25%, tương đương năm 2017.

Theo Gia Miêu

Lao động

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…