Tuyên bố rót 100 triệu USD phát triển ứng dụng gọi xe, Phương Trang đang làm ăn ra sao?
Mới đây, hãng xe khách Phương Trang vừa quyết định đầu tư tối thiểu 100 triệu USD để phát triển ứng dụng VATO, thông qua việc mua lại ứng dụng Vivu.
Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (Futabus) là thương hiệu vận tải lớn, hoạt động mạnh tại các tỉnh miền Nam, miền Tây với đội xe lên đến cả nghìn chiếc.
Trong lĩnh vực xe khách, doanh nghiệp có điểm lợi hơn so với các mô hình kinh doanh khác, đó là không bị chiếm dụng vốn, hành khách luôn phải thanh toán tiền “tươi” nếu muốn di chuyển. Theo một số chuyên gia, nếu chỉ đơn thuần kinh doanh xe khách, Phương Trang sẽ sống rất khỏe. Tuy nhiên, Phương Trang cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác thời kỳ cách đây 10 năm, đã sa lầy vào bất động sản và khiến hoạt động kinh doanh gặp không ít rắc rối.
Giai đoạn 2010-2011 là thời kỳ Phương Trang đầu tư mạnh nhất vào bất động sản, khi cho ra đời Công ty bất động sản FutaLand. Bên cạnh đó, Phương Trang còn phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và CTCP Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang – Hưng Hưng Thịnh – Thế giới Căn hộ tại TPHCM.
Lúc này, Futaland của Phương Trang đã có một số dự án lớn, như New Pearl (2.200m2 ở Quận 3), The Landmark City (4.261m2 ở Quận 1), Quang Thuận (1,2ha ở Quận Thủ Đức), Golden Gate (1,9ha ở Quận 7), Han Riverview (1,4ha ở Đà Nẵng), Khu đô thị mới Futa Cove (120ha ở Đà Nẵng).
Năm 2011, Futaland tiếp tục ra mắt dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng với tổng diện tích 147ha, vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đây các dự án của Phương Trang gặp khó khăn do lãi suất tăng cao dẫn đến cảnh đói vốn không thể thực hiện.
Năm 2013, Futaland đã phải bán dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.
Hình ảnh dự án New Pearl hồi tháng 7/2015. Ảnh: REIC
Tính đến cuối năm 2014, công ty mẹ của Phương Trang là Futa Corp có tổng tài sản khoảng 7.200 tỷ đồng nhưng trong đó nợ phải trả chiếm tới 6.500 tỷ đồng và có khoản vay dài hạn gần 3.044 tỷ đồng tồn tại từ năm 2009.
Nhiều khả năng đây là khoản nợ tại Ngân hàng Xây Dựng bởi đến tháng 6/2016, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) phát đi thông tin đã khởi kiện Phương Trang để đòi 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Đây là số tiền liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của Phương Trang và theo Ngân hàng Xây Dựng, nhóm nợ Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng nhiều năm với hồ sơ pháp lý phức tạp.
Mua lại Vivu, ứng dụng từng “lùm xùm” với tin đồn 1 tỷ USD
Theo thông tin trên Tiền Phong, Phương Trang vừa quyết định đầu tư tối thiểu 100 triệu USD để phát triển ứng dụng VATO, thông qua việc mua lại ứng dụng Vivu. Lãnh đạo Phương Trang cho biết, Phương Trang mua Vivu và sáp nhập vào VATO để tạo nên một hệ sinh thái thương mại điện tử.
Vivu là ứng dụng được ra mắt hồi tháng 3/2016 với tên gọi ban đầu là FaceCar, thử nghiệm từ tháng 5/2016 và chính thức tung ra thị trường từ tháng 12/2016.
Tuy nhiên, FaceCar chỉ được nhiều người biết đến từ tháng 3/2017 khi bất ngờ có thông tin tỷ phú Mai Vũ Minh, Chủ tịch tập đoàn SAPA Thale GmbH tại Đức cam kết đầu tư tới 1 tỷ USD vào FaceCar. Tham vọng của vị tỷ phú này là đối đầu trực tiếp với Uber để giành lại thị phần tại thị trường Việt Nam và đưa ứng dụng vươn ra thế giới.
Thế nhưng, chỉ ngay trong tháng 3, nhà sáng lập FaceCar đã thông báo “chấm dứt khẩn cấp” việc hợp tác với ông Mai Vũ Minh vì cho rằng “đằng sau tấm màn nhung đó là một kịch bản lừa đảo rất lớn, đẩy thương vụ giá trị lên cao nhằm làm lóa mắt nhà đầu tư và có thể hình thành nên một hệ thống đa cấp”.
Hơn một tuần sau, FaceCar bị thâu tóm bởi CTCP phát triển công nghệ Vivu và chính thức đổi tên thành Vivu. Như vậy, với việc sáp nhập vào VATO gần đây, ứng dụng Vivu một lần nữa lại “lột xác” khoác lên mình chiếc áo mới.
Hình ảnh Website của VATO
Theo kế hoạch ban đầu, VATO sẽ ra mắt vào tháng 5/2018. Thế nhưng, sau khi chứng kiến Uber bị Grab thâu tóm, VATO sẽ ra mắt sớm hơn dự kiến 1 tháng. Ứng dụng này không chỉ gọi xe mà tích hợp nhiều chức năng đi kèm, như thanh toán, gọi điện thoại, vận tải, giao hàng…
Số tiền 100 triệu USD của Phương Trang đầu tư sẽ được dành cho phát triển ứng dụng và các hoạt động khuyến mãi dành cho hành khách và tài xế. Phương Trang ước tính, năm đầu tiên dự án sẽ tốn khoảng 100 tỷ đồng và đây cũng là cách đốt tiền mà Uber, Grab từng thực hiện khi bắt đầu tham gia thị trường.
Trí thức trẻ