TPHCM: Vì sao cho phép xây nhà trên cống thoát nước chung?
Mới đây, một số hộ dân ở hẻm 489, phường 13, quận Phú Nhuận gửi đơn khiếu nại khẩn cấp lên UBND TPHCM đề nghị dừng cấp phép cho 1 trường hợp xây dựng.
Theo các hộ dân, việc cấp phép xây nhà 4 tầng bít lối thoát hiểm, đè lấp cống thoát nước công cộng là không thể chấp nhận; đặc biệt, sau vụ hoả hoạn tại chung cư Carina Plaza (quận 8), thì việc cấp phép chưa đúng trên càng cấm kỵ.
Căn nhà xây trên… cống thoát nước
Tháng 9.2016, bà Nguyễn Thị Đức – chủ sở hữu căn nhà số 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh – xin phép xây dựng nhà và được UBND quận Phú Nhuận cấp giấy phép với quy mô 4 tầng + lửng trong khuôn viên diện tích đã được công nhận sổ hồng. Tuy nhiên, sau khi bà Đức khởi công, tập thể hộ dân cạnh bên đã gửi đơn ngăn chặn vì cho rằng, phần sau nhà đã xây bít lối thoát hiểm và một phần cống thoát nước công cộng, vốn tồn tại từ trước năm 1975, xâm phạm sự an nguy cho cả khu vực, nhiều hộ dân không có đường thoát nước thải.
Trước tình trạng này, ngày 23.2.2017, UBND quận Phú Nhuận đã vận động gia đình bà Đức nộp lại giấy phép xây dựng để điều chỉnh lại giấy phép và bản vẽ thiết kế cho phù hợp thực tế, không ảnh hưởng đường cống thoát nước chung. Song, hộ bà Đức không đồng ý, nên UBND quận Phú Nhuận đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế được duyệt.
Tiếp tục cho phép xây dựng
Sau khi bị thu hồi giấy phép xây dựng, chủ nhà đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng TPHCM, đòi khôi phục lại giấy phép xây dựng trên. Nguồn tin riêng của Báo Lao Động cho biết, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Phú Nhuận phục hồi lại giấy phép xây dựng, cho phép bà Đức tiếp tục xây dựng nhà trên cống thoát nước chung và lối thoát hiểm.
Cở sở để UBND TPHCM cho phép phục hồi giấy phép xây dựng nhà của bà Đức là trên văn bản kiến nghị của Sở Xây dựng TPHCM. Theo Sở Xây dựng: Căn cứ sổ hồng của 4 hộ liền kề, không thể hiện hệ thống cống thoát nước chung tại phần phía sau nhà. Nhưng ở 5 hộ liền kề khác có thể hiện cống thoát nước chung ở phía sau nhà. Tuy nhiên, một số hộ đã di dời hệ thống thoát nước phía sau ra hệ thống thoát nước chung phía trước, bên hông nhà.
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, việc thoát nước của các hộ sử dụng cống thoát nước phía sau nhà, không bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng nhà của bà Đức. Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo UBND quận Phú Nhuận khôi phục lại giấy phép xây dựng nhà trên cống và lối thoát hiểm cho bà Đức.
Trao đổi với PV Lao Động, luật sư Hồ Nguyên Lễ – Trưởng văn phòng luật sư Tín Nghĩa – cho rằng: “Việc UBND quận Phú Nhuận thu hồi giấy phép xây dựng trên cống thoát nước chung và lối thoát hiểm là cần thiết, đúng đắn, sửa sai kịp thời. Tuy nhiên, sau 1 năm, chính quyền TPHCM lại chỉ đạo khôi phục, cho xây dựng lại, bất chấp công trình xâm phạm cống thoát nước chung, bít lối thoát hiểm – vốn tồn tại hàng chục năm của cộng đồng dân cư không thể nói là đúng quy định của luật pháp”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Phương – Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận: “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM về hướng xử lý đối với trường hợp trên. Thành phố chỉ đạo thế nào, địa phương thực hiện như vậy. Trước mắt, quận đã huỷ giấy phép xây dựng, thông báo cho chủ đầu tư, UBND phường 13, nơi có công trình xây dựng thực hiện theo quy định”.
Trong khi đó, có ý kiến khác cho rằng, chính quyền địa phương cần phải rà soát lại sổ hồng của nhà bà Đức và các hộ có cống thoát nước, cùng lối thoát hiểm ngang qua. Từ đó, xác nhận và không công nhận quyền sử dụng cá nhân trên phần đất lối thoát hiểm và cống thoát nước chung. Không thể chấp nhận hiện tượng một số hộ thể hiện trên sổ hồng có cống thoát nước phía sau, một số hộ không thể hiện. Từ đó, khi cấp phép xây dựng cho phép công trình chồng lấn lên cống thoát nước chung, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân (ngụ 489A/21/7 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận) – nói: “Năm 2017, TPHCM đang quyết tâm chỉnh trang đô thị khang trang, hiện đại, bằng những hành động kiên quyết như xử lý các hành vi xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường. Một hộ dân xây lố cái gờ dẫn xe vào nhà cũng bị đập bỏ.
Thế nhưng, việc UBND TPHCM cho phép xây dựng nhà trên lối thoát hiểm và cống thoát nước chung của các cư dân tại hẻm 489, đường Huỳnh Văn Bánh nêu trên, không chỉ gây nguy hiểm cho cư dân khi hoả hoạn, người dân không có cống thoát nước mà còn đi ngược lại chủ trương do chính UBND TPHCM đưa ra và nỗ lực thực hiện trong suốt 1 năm qua”.
Theo Hoàng Hưng
Lao động