Lý giải nguyên nhân làm nên sự “lấp lánh” của PNJ
Với Tổng Giám đốc mới cùng kế hoạch kinh doanh nhiều tham vọng, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã tăng phi mã trong thời gian qua đưa vốn hoá công ty lên sát ngưỡng 1 tỷ USD.
Những ngày gần đây, liên tục phá đỉnh đi lên với tốc độ tăng giá đạt đến 4,5%/phiên, cổ phiếu PNJ thực sự gây náo loạn thị trường. Rầm rộ từ các room chứng khoán cho đến đàm đạo của nhà đầu tư, thậm chí đi vào ngòi bút phân tích của nhiều chuyên gia, điều gì khiến PNJ “nổi tiếng” đến như vậy?
Thị trường màu mỡ không một đối thủ nặng ký
Trước hết có lẽ đến từ câu chuyện thị trường bán lẻ với dư địa tăng trưởng dồi dào, chưa kể lĩnh vực vàng bạc đá quý đang có tổng cầu cao lại rất ít đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, trong báo cáo tổng kết mới đây, Công ty cho biết với sự gia tăng tỷ trọng tầng lớp trung và thượng lưu trong nước, đi cùng với sự phát triển về mặt kinh tế và thói quen tiêu dùng khiến sức mua của thị trường Việt Nam cải thiện đáng kể.
Mặt khác, báo cáo của Euromonitor cũng thể hiện ngân sách chi tiêu của người Việt Nam đã tăng mạnh từ cả thành thị đến nông thôn trong năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng nhanh trong những năm kế tiếp. Hay một số liệu báo cáo từ Tổng cục thống kê Việt Nam vừa công bố về chỉ số GDP tương ứng với sức mua của người Việt Nam trong năm 2017 ước đạt mốc 6,876 USD/người và sẽ tiếp tục được nâng lên mức 7,377 USD/người vào năm 2018. Theo đó, PNJ khẳng định thị trường bán lẻ nói chung và mảng trang sức nói riêng đang rất giàu tiềm năng, dự kiến tiếp tục đi lên trong những năm sắp tới, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này, trong đó có PNJ.
Đồng tình với quan điểm trên, CTCK ACBS mới đây cũng đưa ra nhận định doanh thu bán lẻ và dịch vụ nước ta liên tục tăng trong 10 năm qua, riêng năm 2017 doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 75-79% giá trị, với CAGR 2007-2017 là 17,7%, đạt 2,9 triệu tỷ đồng.
Và đây cũng chính là “catalyst” tăng trưởng thời gian đến của PNJ dưới góc nhìn giới phân tích, trong đó CTCK HSC (HCM) cho biết câu chuyện tăng trưởng trên vẫn tiềm năng nhờ Công ty có thể tiếp tục mở rộng và xây dựng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc với khoảng 600-700 cửa hàng, trong khi PNJ hiện chưa có đối thủ nào gọi là mạnh. “Với tốc độ tăng mở rộng hiện tại, chuỗi cửa hàng bán lẻ có thể tăng trưởng với tốc độ trung bình gộp là 20% trong 5 năm tới”, HSC cũng dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu mỗi cửa hàng sẽ đạt 10-12% trong giai đoạn này.
Nói đi cũng phải nói lại, bán lẻ màu mỡ đó nhưng mồi ngon không dành cho tất cả! Cùng tham gia chuỗi bán lẻ song mảng di động gần như đã bão hòa khiến ông lớn Thế giới Di động (MWG) phải chuyển hướng đầu tư, thị giá cổ phiếu đi vào khu vực thận trọng. Ngược lại với cầu trang sức trên đà tăng cao, PNJ cũng thực hiện chiến lược tăng cường cửa hàng, mở rộng kênh phân phối được ví như Thế giới Di động thứ hai, song cổ phiếu liên tục bứt phá. Riêng 1 năm qua, thị giá PNJ đã tăng 167%, chốt phiên 27/3/2018 tại 188.500 đồng/cp; nâng tổng vốn hóa thị trường đạt 20.377 tỷ đồng (900 triệu USD), ghi nhận tăng 38% so với đầu năm.
Biến động cổ phiếu PNJ một năm qua.
Chi mạnh cho hệ thống phân phối nhằm “gần” hơn với khách hàng
Động lực thứ hai, PNJ còn kế hoạch đầu tư tổng cộng 8,3 triệu USD cho hệ thống ERP mới cũng như chuyển sang nền tảng số trong năm 2018 và 2019 nhằm gần hơn với người tiêu dùng.
Nằm trong kế hoạch nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống ERP của mình, PNJ dự kiến đầu tư 6,5 triệu USD vào hệ thống ERP mới; con số cho hệ thống CRM (customer relationship man- agement – quản trị quan hệ khách hàng) và RFID (radio frequency identification – nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) đạt 1,8 triệu USD. Mục tiêu hướng đến việc hỗ trợ để hiểu hơn hành vi của khách hàng tại các cửa hàng, kết hợp sử dụng big data để phát triển sản phẩm có mục đích rõ ràng hơn.
Một điểm đáng chú ý khác, ban lãnh đạo PNJ cũng cho biết sẽ tiến hành đầu tư hệ thống công nghệ 4.0 mới, vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 5 triệu USD. Hệ thống này sẽ giúp PNJ lưu lại dữ liệu của khách hàng qua đó tổng hợp và tính toán nhu cầu thị hiếu chung của thị trường hiện nay, qua đó giúp PNJ linh động trong việc sản xuất qua đó giúp đẩy mạnh doanh thu.
Về PNJ, sớm nắm bắt xu thế thị trường, những năm 2013-2017 của công tác điều chỉnh chiến lược từ mô hình “kinh doanh hàng hoá” sang mô hình “công ty bán lẻ” và đạt được nhiều thành tích. Riêng bức tranh kinh doanh với lãi sau thuế tăng đều đặn hàng năm, biên lợi nhuận cũng cho thấy sự “lột xác” khi tăng từ 1,83% (năm 2013) lên 6,6% cuối năm 2017.
Viết tiếp đà tăng trưởng sau chiến dịch 10 năm, mốc 2018 được xem là năm đầu tiên trong chiến lược 5 năm từ 2018-2022, PNJ đề ra chỉ tiêu đạt 13.727 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 25% và lợi nhuận sau thuế đạt 882,4 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2017. Để thu về những con số trên, PNJ đặt kế hoạch mở mới thêm ít nhất 40 cửa hàng và mục tiêu đến 30/4/2018 sẽ nâng tổng số cửa hàng đạt mức 300 cửa hàng, đồng thời cố gắng duy trì tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cửa hàng (SSSG) như năm 2017 là khoảng 21%.
Tân Tổng Giám đốc Lê Trí Thông – thêm một làn gió mới
Không chỉ làm mới công nghệ, chiến lược, cả người cầm cương Công ty cũng được “đổi vị” khi ngày 23/3 vừa qua, PNJ đã bổ nhiệm ông Lê Trí Thông là Tổng Giám đốc mới – thay thế bà Cao Thị Ngọc Dung. Quyết định bổ nhiệm sẽ có hiệu lực từ ngày 21/4/2018 với nhiệm kỳ 5 năm, bà Dung hiện vẫn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông Lê Trí Thông.
Về tân Tổng Giám đốc, ông Thông gia nhập PNJ vào năm 2017. Trước đó, ông giữ chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và rời Ngân hàng này vào năm 2014. Đồng thời, ông cũng từng làm việc cho Boston Consulting Group.
Một thông tin đáng chú ý khác khác, ông Thông là con trai của ông Lê Văn Trí – người từng là Ủy viên HĐQT trị kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM). Ông cũng chính là anh trai ruột của bà Lê Diệp Kiều Trang (Chrity Le) – tân CEO Facebook Việt Nam.
Với bề dài kinh nghiệm cùng nền tảng gia đình hiện có, ông Thông được kỳ vọng có thể nâng cao sự năng động và thổi một làn gió mới vào PNJ; trong đó nhấn mạnh đến sự tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến.
Tựu trung lại, PNJ đang mang trong mình cả ngoại và nội lực để tiếp tục vươn cao những năm đến, song với nhà đầu tư trên thị trường vẫn còn đó những lo ngại về mức giá hiện tại của đơn vị trang sức này. Khi mà đã liên tục tăng 2-3 năm liền, thị giá cũng đẩy sát mốc 200.000 đồng/cp, liệu mọi yếu tố tăng trưởng nói ở trên đã phản ánh hết vào giá? Cho đến nay, chưa ai có thể khẳng định cổ phiếu PNJ sẽ tiếp tục tăng trưởng hay sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh, mọi quan điểm cũng chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng dựa trên những căn cứ hiện có. Cũng cần nói thêm, hiện room đã đầy và nhà đầu tư nước ngoài phải mua với giá cao hơn giá thị trường; song song với đó kế hoạch phát hành ESOP trong năm nay cũng sẽ tạo cơ hội mở room trong một thời gian ngắn.
Theo Trí thức trẻ