“Kẻ hủy diệt” Optane Memory của Intel dự kiến đổ bộ Việt Nam từ quý 2/2018
Đây được xem là “quân bài chiến lược” giúp Intel xoay chuyển những tình thế đang còn bất cập trong quá trình sử dụng của người dùng. Đồng thời cũng là “kẻ hủy diệt” gián tiếp về hiệu năng trên cùng giá thành đối với thế hệ SSD hiện nay.
Optane là thương hiệu của Intel dùng cho các dòng sản phẩm sử dụng công nghệ bộ nhớ 3D XPoint, bao gồm thanh nhớ Optane Memory và các loại Optane SSD. Theo đó, Optane Memory được chú ý khi giúp tăng cường hiệu năng cho những máy tính đang sử dụng ổ cứng HDD truyền thống với nhiều ưu điểm sử dụng.
Nếu so sánh giá thành của một chiếc máy tính SSD cho tốc độ xử lý dữ liệu vượt trội nhưng giới hạn dung lượng hay sự kết hợp giữa Intel Optane Memory và HDD dung lượng cao thì phương án thứ 2 mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng- bao gồm cả về khoản tiết kiệm chi phí, khả năng lưu trữ cao hơn và hiệu năng cũng không thua kém SSD. Điều này giúp Intel từng bước chiếm lĩnh được thị trường mới và mở ra xu hướng lựa chọn các dòng máy tính ưu việt hơn.
Optane Memory đóng vai trò một loại bộ nhớ đệm cho HDD, cải thiện tốc độ đọc ghi cho bất cứ thiết bị lưu trữ nào trên hệ thống – Tất nhiên nếu bạn đã dùng SSD thì tốc độ sẽ vượt trội hơn nữa. Nói cách khác, Optane Memory tuy không thay thế DRAM nhưng có cơ chế hoạt động giống DRAM và tuyệt hơn DRAM bởi có khả năng nắm bắt những dữ liệu thường dùng.
Qua đó cải thiện tốc độ truy cập của hệ thống máy tính vào các ứng dụng, tăng tốc hiệu năng và khả năng phản hồi của máy tính, giúp máy tính thực thi tác vụ nhanh hơn, giảm thời gian chờ xử lý dữ liệu- bao gồm cả việc cải thiện đáng kể tốc độ khởi động Windows. Đặc biệt hơn, Optane Memory vẫn có khả năng lưu trữ khi ngắt điện.
Giá thành của những dòng máy tính sở hữu Optane Memory + HDD sẽ mềm hơn nhiều với dòng máy SSD, mang đến cho người dùng những trải nghiệm thú vị hơn.
Nếu bỏ qua nhu cầu chuyên biệt như các game thủ “hạng nặng” hay dân thiết kế chuyên nghiệp cần hiệu năng tối ưu thì đây là lựa chọn khá đáng tiền cho các nhu cầu thông thường còn lại. Với các nhu cầu công việc hàng ngày, việc mở các ứng dụng công việc, trò chơi hay bất kì trình duyệt nào đã được người dùng sử dụng hơn 3-4 lần, sẽ được bộ nhớ lưu lại, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian truy cập lần sau rất nhiều lần. Điều này dễ dàng nhận thấy qua việc bạn khởi động Windows hay sao chép một tập tin dung lượng lớn.
Giải pháp kết hợp Optane Memory + HDD sẽ phù hợp với đại đa số nhu cầu phổ biến của người dùng, từ cá nhân đến doanh nghiệp.
Hạn chế lớn nhất của công nghệ Intel Optane đó là khả năng tương thích với cấu hình khá “kén chọn”. Sản phẩm đòi hỏi bo mạch chủ có giao tiếp M.2 và hỗ trợ BIOS cho Optane, bo mạch chủ sử dụng chipset Intel (gồm Z270, Q270, H270, Q250, B250 và C236) và chỉ hỗ trợ bộ xử lý Kaby Lake trở lên. Ngoài ra, trong số các hệ điều hành hiện hữu thì Windows 10 64-bit là hệ điều hành được hỗ trợ duy nhất. Đây cũng là khó khăn lớn nhất đối với người dùng “thế hệ cũ” mong muốn trải nghiệm công nghệ mới đến từ Intel.
Hiện tại, bộ nhớ đệm Optane Memory này chỉ mới có dung lượng tối đa 32GB nên đối với nhiều ứng dụng có dung lượng “khủng” thì mức cải thiện tốc độ đương nhiên sẽ giảm hẳn. Người dùng Việt Nam từ quý 2/2018 sẽ có thể trải nghiệm công nghệ này qua các dòng máy tính mới được tích hợp sẵn hoặc có thể mua rời phục vụ cho nhu cầu nâng cấp cấu hình có sẵn.
Theo Nhịp sống kinh tế