NHNN được giao nghiên cứu quản lý thanh toán điện tử, trung gian thanh toán trong thời đại cách mạng 4.0
Sáng ngày 29/3, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên Quý I/2018 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị các thành viên Hội đồng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ không chỉ cho năm 2018 mà cả tới năm 2020 để ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các biến động về chính sách tiền tệ trên thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều khả quan ngay trong Quý I/2018. Dự báo thu, chi ngân sách chỉ cần theo đúng dự toán thì bội chi năm 2018 còn dưới mức 3,7% theo quy định của Quốc hội, nợ công cuối năm nay dự kiến ở mức 61,4%.
Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương thức quản lý thanh toán điện tử, thanh toán trung gian trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bảo đảm sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tài chính-công nghệ Việt Nam vào thị trường này.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tăng trưởng kinh tế được biết vẫn đang duy trì ở mức cao từ Quý III/2017 tới nay và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua (tăng 7,41% của Quý I/2018), kiểm soát tốt lạm phát (tăng 2,82%), lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định, hoạt động thu ngân sách Nhà nước diễn ra bình thường, cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao (8 tỷ USD) nhờ xuất siêu hàng hoá, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, vay nợ ổn định,…
Hội đồng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.
Các thành viên Hội đồng cũng cho rằng kinh tế thế giới năm 2018 có dấu hiệu hồi phục tích cực, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khoá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (khoảng 4%), đồng thời theo dõi sát các diễn biến tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chương trình cải cách thuế của cường quốc số 1 Thế giới này.
Diệp Trần
Theo Nhịp sống kinh tế/Theo Trí Thức Trẻ/ baochinhphu.vn