[Live ĐHĐCĐ REE] Quý I kỳ vọng đạt đúng kế hoạch
Trong năm 2017, REE đã chi 700 tỷ đồng để mua 35% vốn công ty nước Sông Đà. REE sẽ đầu tư nâng công suất nhà máy lên 900.000 m2/ngày đêm.
Sáng nay (29/3), Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh (Mã: REE) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
Q&A
Xin cho biết thông tin liên quan đến công ty Tín Hiệu Xanh?
Bà Mai Thanh: Công ty được thành lập để đầu tư vào điện nước. Đây là kỹ thuật về nghiệp vụ tài chính, công ty này có khoản tiền 500 tỷ đồng và không có nợ.
Mảng M&E và thủy điện lập kế hoạch thấp hơn 2017, nguyên nhân?
Bà Mai Thanh: Trên nguyên tắc lập kế hoạch, REE làm việc với công ty liên kết và thành viên về khả năng tốt nhất, ít rủi ro cho kế hoạch.
Đối với thủy điện, REE lên kế hoạch theo tình hình nước, thủy điện, thủy văn, giá cả… Theo đánh giá, năm 2018 không có thủy văn thuận lợi như 2017, còn yếu tố khác như tình hình thị trường điện thì sẽ tốt hơn, do vậy giá điện sẽ cao hơn và kết quả có thể tốt hơn.
Mảng M&E, thời điểm lập kế hoạch là quý I. Căn cứ vào những hợp đồng đã nắm trong tay, đánh giá khả năng thực hiện theo tiến độ và những khó khăn để REE lập kế hoạch. Tỷ suất LN/DT khoảng 10%, đây là con số đã cố gắng và chắc chắn.
Về việc thù lao Ban lãnh đạo 2018 lại cao hơn năm trước trong khi kế hoạch lợi nhuận lại giảm?
Bà Mai Thanh: Đây là ngân sách xin từ cổ đông và có lý do. Đó là năm nay REE thay đổi tổ chức, làm 3 tiểu ban và có trưởng ban chi trả quỹ lương. Ngoài ra REE sẽ còn có tiểu ban kiểm toán nội bộ do 1 thành viên HĐQT độc lập phụ trách. Vì có thêm 3 tiểu ban nên phải chi trả thêm chi phí.
Về mảng điện nước, lý do REE đầu tư là gì?
Bà Mai Thanh: Vì REE là công ty cơ điện công trình, hầu hết là dân kỹ thuật, có kiến thức cả về điện và nước. Dưới con mắt REE, mọi con số trở nên rất rõ ràng. Khi hiểu biết về thị trường như vậy thì REE quyết tâm đầu tư.
REE đang tiếp tục đầu tư mảng này, với khoản không có hiệu quả tốt thì thoái vốn, còn nếu chi phối được thì nâng hiệu quả hoạt động.
Tại sao REE không mua Genco 3?
Bà Mai Thanh: Genco 3 quá lớn, có nhiều nhà máy hoạt động tốt nhưng lại có nhà máy hoạt động không tốt. REE chỉ muốn đầu tư vào nhà máy tốt nên quyết định không mua.
Việc cắt giảm chi phí của Reetech ra sao?
Bà Mai Thanh: Năm 2017, doanh thu trên báo cáo hợp nhất 944 tỷ đồng, lợi nhuận 37 tỷ đồng. Tuy nhiên trên báo cáo riêng lẻ Reetech đạt lợi nhuận 43 tỷ đồng. Năm 2018, Reetech vẫn lên kế hoạch lãi sau thuế 43 tỷ đồng. Năm 2018 còn khoảng 200 tỷ ghi nhận doanh thu của dự án lớn từ 2017 đổ sang, do đó doanh thu sẽ giảm hơn so với năm trước.
Reetech sẽ cố gắng cắt giảm chi phí, hướng đến phân phối hơn là mảng dự án. Ngoài ra, với tình hình khó khăn như hiện tại, thị trường nhiều nhãn hiệu cạnh tranh nên giảm chi phí đầu vào, chi phí hợp đồng rất quan trọng. Reeteach có thể phát triển dòng sản phẩm mới, hiện tại cung cấp sản phẩm cơ khí cho các công trình lớn về điện và sẽ thực hiện đẩy mạnh hơn nữa mảng này.
Tình hình kinh doanh quý I ra sao?
Bà Mai Thanh: Quý I, một số mảng đạt đúng kế hoạch như M&E, cho thuê văn phòng, Reetech. Còn mảng điện nước, trong 2 tháng vừa qua tăng khá, hy vọng đạt đúng kế hoạch.
Đề nghị chia cổ tức 2017 cao hơn kế hoạch 16%?
Bà Mai Thanh: Năm 2015, REE đã thưởng cổ phiếu và trả bằng tiền mặt. Năm 2017, sau khi chia 16% thì REE chỉ còn 660 tỷ đồng để tái đầu tư, khoảng 2 – 3 năm nữa không còn nhiều cơ hội. Ngoài ra, REE đã tăng khoản vay ngân hàng lên 2.000 tỷ đồng, tới đây có thể cần 1,3 triệu USD để đầu tư.
Reetech chưa thể bành trướng, M&E được hưởng lợi nhiều
Năm 2017, REE có doanh thu tăng 36,5% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng 26%, đạt lần lượt 4.995 tỷ đồng và 1.377 tỷ đồng, vượt 8% và 21% kế hoạch năm. EPS tương ứng 4.441 đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng REE M&E chiếm 23% và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; mảng cho thuê văn phòng chiếm tỷ trọng 21%, điện và than 40%, còn lại là các mảng khác.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc đánh giá mảng M&E trong năm vừa qua được hưởng lợi nhiều. Thị trường BĐS phát triển tốt tạo cơ hội cho M&E. Tuy nhiên không phải REE đi vào được tất cả các dự án mà có sự cạnh tranh, trên thị trường có 5 – 6 công ty là đối thủ của REE, trong đó có một nửa công ty nước ngoài. Năm 2018 sẽ là năm phát triển tốt của thị trường bất động sản nhưng những năm sau sẽ không còn nữa.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm điện lạnh (Reetech) vẫn chịu áp lực gay gắt, sản lượng bán ra giảm 20%. Lợi nhuận sau thuế mảng này tăng 10%, đạt 42 tỷ đồng. Sắp tới, công ty sẽ mở rộng thị phần, đẩy mạnh xuất khẩu và lập dự phòng các khoản nợ quá hạn. Bà Mai Thanh cho đây là mảng cạnh tranh lớn của REE và cần tiếp tục nỗ lực, song chưa thấy được viễn cảnh để bành trướng ra. Do vậy, công ty phải tìm cách khác để phát triển mảng này, ví dụ như tập trung vào chuỗi phân phối nhiều hơn.
Ở lĩnh vực văn phòng cho thuê, tình hình ổn định, tỷ lệ lấp đầy cao. Dự án cao ốc văn phòng E.town Central chính thức vận hành tháng 1/2018 và đến 31/12/2017 đã ký hợp đồng cho thuê được 35% diện tích. Chủ tịch REE dự tính quý II sẽ lấp đầy, nhưng năm nay ghi nhận lợi nhuận chỉ hòa vốn, năm 2019 sẽ có lợi nhuận đáng kể.
Còn về E.Town Cộng Hòa, REE đã cho khách thuê. REE sẽ khởi công tòa nhà mới tại E.Town Cộng Hòa với 16 tầng, mỗi tầng 10.000 m2, dự kiến hoàn thành cuối quý I/2019.
Với công ty liên doanh liên kết trong lĩnh vực bất động sản gồm SaigonRes và VIID. Trong đó, SaigonRes chủ yếu làm căn hộ để bán, quỹ đất lớn khoảng 15 ha và có nhiều dự án đang tiếp tục theo đuổi.
Về lĩnh vực hạ tầng điện – nhiên liệu và nước, năm 2017 công ty đã đầu tư nâng tổng công suất điện sở hữu lên 697 MW. Mảng này mang lại 632 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 89% năm trước. Nếu không dự phòng, con số này có thể tăng hơn 100 tỷ đồng nữa. Bà Thanh nói năm nay, Bộ Công Thương đã chấp nhận cho chênh lệch tỷ giá vào chi phí do đó Nhiệt điện Phả Lại và Nhiệt điện Quảng Ninh sẽ được tính phần chênh lệch này. Đồng thời, công ty sẽ nghĩ đến vấn đề cơ cấu lại đầu tư vào thủy điện, nhiệt điện trong thời gian tới.
Đầu tư 6.000 tỷ đồng cho hệ thống nước Sông Đà
Năm 2017 REE cũng đầu tư vào công ty nhà máy nước Sông Đà. Từ khi vận hành đến nay, nhà máy làm vỡ 20 lần đường ống nước, trong khi công suất chỉ 220.000 m3/ngày đêm. REE chi 700 tỷ đồng thông qua đấu giá để sở hữu 35% vốn, đối tác ngoài Hà Nội nắm trên 50%, Nhà nước không còn sở hữu nữa.
Theo bà Thanh, trước mắt REE đầu tư bổ sung 600 – 700 tỷ để xây trạm bơm Đại Mỗ tăng công suất từ 220.000 lên 300.000 m3/ngày đêm. Trong 2 năm tới, REE sẽ đầu tư lên 900.000 m2/ngày đêm. Tổng đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng đã cam kết cho REE vay, trong đó có tổ chức quốc tế. Tuy nhiên REE sẽ vay nội tệ. Khi REE đảm bảo được công suất cho nhà máy, Hà Nội sẽ giảm việc khai thác nước mạch (nước giếng).
Kế hoạch lãi 1.369 tỷ đồng
Năm 2018, REE đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.695 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế 1.369 tỷ đồng, giảm 0,5%.
Trong năm này, REE sẽ thoái hết vốn ngành than. Mảng REE M&E có doanh thu cao nhất với 2.700 tỷ đồng, tăng 14%. Mảng cho thuê văn phòng tăng 27%, đạt 693 tỷ đồng.
HĐQT trình phương án chia cổ tức 2017 với tỷ lệ 16% bằng tiền. Tổng số tiền chi trả 496 tỷ đồng. Cổ tức được chi trả vào ngày 27/4 với ngày đăng ký cuối cùng là ngày 1/3. Năm 2018, HĐQT trình kế hoạch chia cổ tức không thấp hơn 16% vốn điều lệ.
Về nhân sự, 3 ứng viên đề cử vào HĐQT lần này gồm ông David Alexander Newbigging và ông Andrian Teng Wei Ann – đại diện cổ đông lớn Platium Victory Pte. Ltd. Ngoài ra danh sách ứng viên còn có ông Đặng Hồng Tân ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập.
Nếu được bầu, danh sách HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2022 của REE gồm có 5 người. Ngoài 3 ứng viên trên còn có bà Nguyễn Thị Mai Thanh và con trai là ông Nguyễn Ngọc Thái Bình.
Bà Mai Thanh được trình tiếp tục kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc công ty.
Theo Khổng Chiêm
NDH