Bứt phá không ngừng nghỉ, PNJ và Vicostone chuẩn bị gia nhập "câu lạc bộ" tỷ đô vốn hóa
Hiện tại, PNJ và Vicostone (VCS) đang là những ứng cử viên tiếp theo trong danh sách tỷ đô khi 2 cổ phiếu này đang bứt phá ấn tượng và liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Sự bùng nổ của TTCK trong thời gian qua khiến số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô (trên 22 nghìn tỷ đồng) tăng lên chóng mặt. Trên cả 3 sàn niêm yết hiện có 28 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ đô, bao gồm 22 doanh nghiệp trên HoSE, 1 doanh nghiệp HNX và 5 doanh nghiệp trên Upcom.
Với xu hướng tích cực của TTCK như hiện nay, chắc chắn số lượng doanh nghiệp tỷ đô sẽ chưa dừng lại ở con số 28. Hiện tại, PNJ và Vicostone (VCS) đang là những ứng cử viên tiếp theo trong danh sách tỷ đô khi 2 cổ phiếu này đang bứt phá ấn tượng và liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
PNJ “vàng không sợ lửa”, vốn hóa vượt mốc 20.000 tỷ đồng
Trong 1 năm qua, PNJ được coi là một trong những cổ phiếu có mức tăng trưởng bền vững nhất TTCK Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch 27/3, thị giá PNJ đạt 188.500 đồng/cp, mức cao nhất kể từ khi niêm yết tới nay. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường PNJ đạt 20.377 tỷ đồng (900 triệu USD), tăng 38% so với đầu năm.
Đà bứt phá mạnh mẽ của PNJ trong thời gian qua đến từ niềm tin của giới đầu tư về triển vọng doanh nghiệp, điều này có thể thấy rõ khi P/E PNJ hiện lên tới gần 27 lần, cao vượt trội so với mức chung của thị trường.
Biến động cổ phiếu PNJ kể từ khi niêm yết tới nay
Trong năm 2017, PNJ đạt doanh thu thuần 10.997 tỷ đồng – tăng 28%; Lợi nhuận sau thuế 726 tỷ đồng – tăng 43% so với năm trước đó. Biên lãi gộp tiếp tục cải thiện tốt đạt 17,4% so với mức 16,5% năm 2016 chủ yếu nhờ vào (1) Tỷ trọng đóng góp của mảng vàng trang sức trong cơ cấu doanh thu tiếp tục tăng nhẹ, (2) Biên lãi gộp của các mảng đều cải thiện tốt trong đó đặc biêt vàng trang sức tăng tốt nhất từ mức 18,3% năm 2016 lên 19,6% năm 2017.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp bán lẻ như PNJ thì hệ thống phân phối là yếu tố quan trọng để thành công và PNJ đang làm rất tốt điều này. Tính tới cuối năm 2017, tổng số cửa hàng của PNJ lên tới 269, tăng mạnh so với con số 219 vào đầu năm.
Trong năm 2018, PNJ đặt kế hoạch mở mới thêm ít nhất 40 cửa hàng và mục tiêu đến 30/4/2018 sẽ nâng tổng số cửa hàng đạt mức 300 cửa hàng. Ngoài ra, PNJ cũng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cửa hàng (SSSG) tiếp tục duy trì mức tăng như năm 2017 là khoảng 21%.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo PNJ cũng cho biết sẽ tiến hành đầu tư hệ thống công nghệ 4.0 mới, vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 5 triệu USD. Hệ thông này sẽ giúp PNJ lưu lại dữ liệu của khách hàng qua đó tổng hợp và tính toán nhu cầu thị hiếu chung của thị trường hiện nay, qua đó giúp PNJ linh động trong việc sản xuất qua đó giúp đẩy mạnh doanh thu.
Vốn hóa PNJ hiện đạt gần 1 tỷ USD
Năm 2018, PNJ đặt kế hoạch 13.727 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 25% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.100 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 882,4 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
PNJ mới đây đã công bố kế hoạch phát hành hơn 54 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Dự kiến sau phát hành PNJ tăng vốn điều lệ từ hơn 1.081 tỷ đồng hiện nay lên hơn 1.621 tỷ đồng và thông tin này cũng tác động ít nhiều tới giá cổ phiếu.
Vicostone “thạch anh tỏa sáng”
Cùng với PNJ thì VCS cũng là một trong số ít những cổ phiếu “không đỉnh” trên TTCK Việt Nam trong nhiều năm qua. Kết thúc phiên giao dịch 27/3, thị giá VCS đạt 247.800 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường gần 20.000 tỷ đồng (875 triệu USD). Tính theo giá điều chỉnh thì thị giá VCS đã tăng khoảng 18 lần trong vòng 3 năm.
Cũng như PNJ, VCS là một trong những cổ phiếu “không đỉnh” trên TTCK Việt Nam
Là một trong những nhà sản xuất đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh hàng đầu thế giới, kết quả kinh doanh Vicostone trong những năm qua đều ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Riêng trong năm 2017, Vicostone ghi nhận doanh thu đạt 4.353 tỷ đồng – tăng 34,5%; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.125 tỷ đồng – tăng trưởng 37,4% so với năm trước và hoàn thành vượt 12,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong những năm gần đây, mặc dù xuất hiện sự cạnh tranh từ các công ty Trung Quốc, tuy nhiên Vicostone vẫn tạo ra sự khác biệt trong năng lực cạnh tranh không chỉ đến từ khía cạnh công nghệ mà còn đến từ năng lực quản trị, cũng như kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế. Tại ĐHCĐ diễn ra cách đây không lâu, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Vicostone tự tin rằng sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 20% từ 10-15 năm tới.
Hiện nay, doanh thu Vicostone chủ yếu đến từ xuất khẩu, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5%. Tuy nhiên, Vicostone hiện đã có kế hoạch đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước với kỳ vọng tăng lên 10 – 20% doanh thu trong 5 năm tới.
Trong năm 2018, Vicostone dự kiến đạt doanh thu 5.290 tỷ đồng – tăng 20%; Lợi nhuận trước thuế 1.355 tỷ đồng – tăng 20,44% so với năm trước đó. Công ty cũng chuẩn bị phát hành 80 triệu cổ phiếu mới chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 1:1.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ