Đề xuất khoanh nợ 1-2 năm với khoản vay ảnh hưởng vì Covid-19
Hiệp hội ngân hàng đề nghị Chính phủ cho phép khoanh nợ với khoản vay bị ảnh hưởng nặng vì Covid-19 trong 1-2 năm.
Tại toạ đàm ngày 4/11 trao đổi về chính sách nợ xấu, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cơ chế của chính sách khoanh nợ tương tự Nghị định 55 và Nghị định 116 về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đối với trường hợp thiên tai dịch bệnh.
Với cơ chế như Nghị định 155 và Nghị định 116, các khoản vay được khoanh nợ sẽ không bị nhảy nhóm. Số tiền lãi ngân hàng không thu được do chính sách khoanh nợ sẽ được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương.
Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá, hoạt động thu hồi nợ, mua bán nợ cũng như quá trình khởi kiện, đấu giá tài sản, thi hành án thời gian qua gặp khó khăn do một số địa phương giãn cách xã hội.
Theo ông, một số địa phương “vẫn có tâm lý xử lý nợ xấu là việc của ngành ngân hàng” nên lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu cũng chỉ còn hiệu lực trong vòng một năm. Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 cũng sẽ hết hiệu lực về thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trong khi đó nợ xấu dự báo có xu hướng gia tăng từ quý III năm nay do tác động của Covid-19.
Do đó, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết 42 của Quốc hội, đề xuất trình Quốc hội cho kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 hoặc ban hành Luật Xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, VNBA cũng đề xuất rà soát các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Giao dịch điện tử, Luật các tổ chức tín dụng… để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Theo VNEXPRESS