Dự kiến nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, giảm của Hà Nội
Bộ Tài chính đề xuất nâng 3% tỷ lệ điều tiết ngân sách năm sau cho TP HCM (tương đương 6.000 tỷ) và giảm 3% (khoảng 5.000 tỷ) của Hà Nội.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội”. Trong phần dự toán các địa phương, Bộ Tài chính điều tiết để lại cho ngân sách TP HCM trong năm sau dự kiến hơn 21%, tăng thêm 3% (tương đương 6.100 tỷ đồng) so với giai đoạn 2017-2021.
Trước đó vào tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết sẽ ủng hộ đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM.
Bộ Tài chính ước tính tổng thu ngân sách TP HCM dự kiến năm sau là gần 386.570 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với dự toán năm nay. Với mức này, TP HCM vẫn tiếp tục đóng góp ngân sách nhiều nhất cả nước, chiếm 25% tổng thu ngân sách các địa phương.
Tổng các khoản thu phân chia là hơn 196.700 tỷ đồng. Với tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng là hơn 21%, TP HCM được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng.
Theo đó, tổng phần địa phương được hưởng theo phân cấp là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán năm 2021.
Còn tổng chi cân đối ngân sách địa phương (bao gồm cả bội thu, bội chi) trong năm sau dự kiến hơn 94.000 tỷ đồng. Bội chi ngân sách TP HCM dự kiến gần 9.900 tỷ đồng.
Còn với Hà Nội, năm nay thành phố cũng đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách so với mức 35% hiện tại. Nhưng trong dự thảo của Bộ Tài chính, tỷ lệ này giảm 3% (tương đương gần 5.000 tỷ) so với giai đoạn 2017-2021, về 32%.
Bộ Tài chính dự toán tổng thu ngân sách địa phương của Hà Nội năm sau là khoảng 311.650 tỷ đồng, là địa phương có đóng góp lớn thứ hai sau TP HCM.
Các khoản thu phân chia của Hà Nội gần 165.800 tỷ đồng và với tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố được giữ lại là 32%, Hà Nội được hưởng hơn 53.160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phần thành phố được hưởng 100% là gần 45.800 tỷ đồng.
Theo đó, tổng thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp năm sau hơn 98.900 tỷ đồng.
Phần thu ngân sách nhà nước trong dự toán bao gồm tổng thu từ xuất nhập khẩu (chưa trừ chi hoàn thuế giá trị gia tăng), thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp do trung ương quản lý, chưa bao gồm viện trợ.
Bộ Tài chính cho biết, Covid-19 đã tạo nhiều khó khăn và tiếp tục tạo áp lực lớn đối với thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2024. Thu ngân sách năm 2022 phấn đấu khoảng 4,65 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 15,1% GDP (từ thuế, phí gần 13%).
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại thu, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2024 đạt gần 85% tổng thu ngân sách nhà nước. Chi ngân sách nhà nước năm sau dự kiến khoảng 5,8 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, Covid-19 đã và đang tạo ra những thách thức đối với đối với kế hoạch ngân sách trong trung hạn 3 năm tố.
Theo đó, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2022-2024 khoảng 3,8% GPD. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43-44% GDP.
Theo VNEXPRESS