Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU tăng trưởng tích cực
Trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 250,4 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU đều có kim ngạch tăng, trừ mặt hàng cửa gỗ.
Xuất khẩu tăng 32,6%
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU trong tháng 4/2021 đạt 63,79 triệu USD, tăng 114,7% so với tháng 4/2020. Tính chung, trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU đạt 250,4 triệu USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường EU đều có kim ngạch tăng, trừ mặt hàng cửa gỗ. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm tỷ trọng cao, đạt 211,16 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch dẫn đầu đạt 104,5 triệu USD, tăng 27,9%; tiếp theo là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 77,64 triệu USD, tăng 35,6%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 15,7 triệu USD, tăng 37,9%….
Ngoài đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác xuất khẩu tới thị trường EU trong 4 tháng đầu năm 2020 như: Gỗ, ván và ván sàn đạt 25,9 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020; đồ gỗ mỹ nghệ đạt 2,2 triệu USD, tăng 101,1%; cửa gỗ đạt 770 nghìn USD, giảm 10%…
Về thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường trong khối EU đều tăng khá, trong đó dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là thị trường Đức đạt 52,83 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Pháp đạt 47 triệu USD, tăng 28%; Hà Lan đạt 38,9 triệu USD, tăng 56%; Bỉ đạt 22 triệu USD, tăng 42,9%… Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới thị trường Rumani đạt 2,4 triệu USD, tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Như vậy, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến hoạt động logistics gặp khó khăn, chi phí đầu vào gia tăng, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong khi dịch bệnh tiến triển phức tạp khiến nhiều quốc gia thuộc khối EU buộc phải tái triển khai các biện pháp phong tỏa và giao dịch thương mại bị chậm lại trước sự cố ùn tắc tại kênh đào Suez vào tuần cuối tháng 3/2021, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất khả quan trong 4 tháng đầu năm 2021.
Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, tăng cơ hội tiếp cận thị trường
Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới (ITTO), thương mại nội thất gỗ EU đang được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi sản xuất từ các nước có chi phí cao hơn ở phía Tây EU sang các nước phía Đông có chi phí thấp hơn, đặc biệt là Ba Lan, cùng với vai trò của thương mại điện tử và các chuỗi phân phối bán lẻ quy mô lớn, nổi bật nhất là IKEA.
Theo ước tính riêng của ITTO từ số liệu thống kê của Eurostat, các nhà sản xuất có trụ sở tại EU chiếm khoảng 85% tổng số đồ gỗ được bán trong khu vực. Nhiều đồ nội thất gỗ nhập khẩu vào EU từ bên ngoài khu vực hiện cũng đang được chuyển qua các cảng lớn hơn ở Tây Âu, đặc biệt là Hà Lan và Bỉ, trước khi được phân phối lại cho các thị trường khác của EU.
Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất đồ gỗ của EU đã tăng năng suất và khả năng cạnh tranh thông qua đầu tư vào tự động hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến vận chuyển, lưu kho và phân phối, với hệ thống theo dõi hành trình chính xác, giảm chi phí lao động và rủi ro trong chuỗi. Các nhà sản xuất đồ nội thất trong khu vực EU cũng đang tạo ra ưu điểm cho chuỗi cung ứng ngắn hơn, ít trung gian hơn, điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn cho phép các sản phẩm được giao nhanh hơn.
Sự phân mảnh tương đối cao trong lĩnh vực bán lẻ ở nhiều nước EU vẫn đang gây khó khăn cho các nhà cung ứng ngoại khối trong việc tiếp cận thị trường. Nhiều nhà cung cấp nước ngoài vẫn phụ thuộc vào các đại lý và thiếu truy cập trực tiếp vào thông tin về thị hiếu hay các xu hướng tiêu dùng khác của thị trường EU để chủ động được chính sách sản phẩm và phân phối của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, cơ hội cho các nhà xuất khẩu ngoại khối nằm ở sự phát triển nhanh chóng trong phương thức bán hàng trực tuyến, qua đó có thể dễ dàng tương tác với người tiêu dùng EU, nắm bắt thị hiếu tại thị trường này.
Kinh tế toàn khối EU đang có xu hướng tích cực sau một cuộc suy thoái kép trong bối cảnh các nền kinh tế khu vực đang mở cửa trở lại, chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và quỹ kích thích chung của EU được khởi động để “củng cố” chính sách tiền tệ nới lỏng. Dự báo, tình hình kinh tế EU đang tiến triển tích cực và sự hỗ trợ từ Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng nhanh hơn sang thị trường EU trong thời gian tới.
Xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tới thị trường EU trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên so với nhu cầu nhập khẩu trung bình 24,2 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2016 – 2020 thì kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam tới EU vẫn còn quá nhỏ bé. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới.
Đức là quốc gia có dân số đông nhất và cũng là nền kinh tế phát triển năng động nhất của EU. Đức là cửa ngõ và có vị trí thuận tiện về logistics nên giảm thời gian đơn hàng vào các hệ thống tiêu thụ tại EU. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cần tiếp cận được vào thị trường Đức sẽ có rất nhiều cơ hội để ngành gỗ phát triển mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.
Theo Công Thương