Tận dụng “sân chơi” hội nhập để tái cấu trúc nền kinh tế
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh – cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh, tận dụng “sân chơi” lớn mà hội nhập đem lại để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng có hiệu quả, bền vững.
Thưa ông, nhiều đánh giá cho rằng, bên cạnh những thành tựu mà hội nhập đem lại nền kinh tế, Việt Nam cũng đối diện với không ít thách thức. Từ góc độ nghiên cứu, ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
Với nền kinh tế hội nhập như Việt Nam, bên cạnh lợi ích mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, Việt Nam cũng gặp không ít thách thức. Thứ nhất là sự va đập của toàn cầu hóa, chủ nghĩa thương mại tự do cởi mở với một bên là bảo hộ. Thứ hai, liên quan đến dòng vốn đầu tư trực tiếp, gắn với sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Thứ ba, những cú sốc như Covid-19, thiên tai… tạo ra sự bất định, rủi ro trong sản xuất, kinh doanh kể cả ở tầm vĩ mô.
Dù vậy, Việt Nam vẫn có những có lợi thế về lao động, tài nguyên, trung tâm kết nối; tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhờ các loại dịch vụ, công nghệ số… Đặc biệt, nhìn từ các FTA, đa số thành viên tham gia FTA đã ký kết với Việt Nam đều là đối tác chiến lược, toàn diện của nước ta. Điều này thể hiện lòng tin của các đối tác với Việt Nam.
Tôi nghĩ trong bối cảnh mới, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội. Cơ hội đó gắn với quá trình hội nhập, chiến lược, “cách chơi” của Việt Nam. Mặc dù, “cuộc chơi” nào cũng có hai mặt nhưng phải nhìn nhận là chấp nhận, cố gắng giảm thiểu rủi ro, chỉ có như vậy mới có thể tiến lên được.
Tham gia các FTA góp phần thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Song, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải đáp ứng yêu cầu khắt khe từ đối tác thương mại. Liệu đây có phải là rào cản lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam không, thưa ông?
Hiện nay, các biện pháp phi thuế quan vẫn là điều gây nhiều tranh cãi, thách thức đối với doanh nghiệp. Các biện pháp phi thuế quan có tính thích hợp, tất yếu, vì liên quan đến bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải biết học hỏi, vươn lên đáp ứng tiêu chuẩn ấy. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp nào xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu…, nếu dần đáp ứng được thì năng lực cạnh tranh, thương hiệu sẽ tốt lên rất nhiều.
Ví dụ, những cam kết về ISO 8000, tiêu chí lao động, môi trường trong FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu đáp ứng được trong ngắn hạn thì là thách thức, chi phí tuân thủ không nhỏ. Tuy nhiên, điều này lại gắn với phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Muốn phát trriển bền vững, lợi nhuận dài hạn thì 3 yếu tố là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với môi trường, hiệu quả kinh tế thuần túy phải song hành với nhau. Tôi nghĩ nên nhìn các biện pháp phi thuế quan theo hướng đó.
Mặt khác, có câu chuyện các nước trong chừng mực nào đó, có giai đoạn lạm dụng để bảo hộ cho ngành sản xuất. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên để giảm thiểu, từ việc đa dạng hóa thị trường đến việc tìm hiểu để xử lý tranh chấp.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến khó lường như hiện nay, Việt Nam cần chủ động triển khai hội nhập kinh tế quốc tế lên mức toàn diện, sâu rộng, đặc biệt là đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn. Vậy, theo quan điểm của ông, trước mắt, cần tập trung vào những nội dung nào?
Hiện nay, nước ta hội nhập rất toàn diện, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm. Hội nhập đã thúc đẩy cải cách trong nước và tạo “sân chơi” rộng lớn, thuận lợi để doanh nghiệp khai thác. Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài có chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, hội nhập giúp tái cấu trúc nền kinh tế. Vì vậy, ở tầm vĩ mô, cần cải cách nhanh hơn, tốt hơn, đem lại không gian minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp. Tái cấu trúc nền kinh tế trong cái chung đó là theo hướng có hiệu quả, bền vững, gắn với xu thế mới, kể cả công nghệ.
Ở vi mô, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp, ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa nguồn lực, học hỏi quy trình, doanh nghiệp phải tuân thủ các cam kết, nhất là đáp ứng FTA chất lượng cao. Nếu không đáp ứng những cam kết, tiêu chuẩn, giá phải trả sẽ cao hơn nhiều.
Mặc dù hội nhập đem lại nhiều thành tựu lớn, song chúng ta vẫn chưa thực hiện tốt việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp FDI trở thành lực lượng hữu cơ rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhưng rõ ràng, sự lan tỏa kết nối giữa loại hình doanh nghiệp này với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất yếu, tác động lan tỏa rất hạn chế.
Để thu hút vốn FDI chất lượng, đòi hỏi tác động lan tỏa tích cực từ công nghệ, kỹ năng và nỗ lực của chính doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tận dụng cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số để phát triển sản phẩm, marketing, tương tác khách hàng tốt hơn, gắn với quản trị, bên cạnh cải cách phương thức kinh doanh, nâng cao tay nghề người lao động…
Trong thế giới nhiều bất định, rủi ro, việc học hỏi và quản trị rủi ro cũng là một phần hữu cơ của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, “chơi” với “anh tài” giỏi về pháp lý, cho nên việc học hỏi để xử lý tranh chấp là cần thiết.
Theo Công Thương