16 năm lương mới mua được chai rượu ở Venezuela

Lạm phát hơn 60.000% khiến giá một lít rượu Scotch cao cấp ở Venezuela lên tới 1 tỷ bolivar.

“Anh có whisky chứ?” – đám đông người tham gia liên tục hỏi rượu tại quầy đồ uống trong một đám cưới ở thủ đô Caracas (Venezuela). Người pha chế thì không hề nhúc nhích. Vì quy tắc là rượu whisky Scotch chỉ dành cho cha mẹ và bạn bè cô dâu chú rể. Với những người còn lại, họ chỉ phục vụ rượu rum sản xuất trong nước.

Khủng hoảng kinh tế đã khiến lạm phát Venezuela vọt lên hơn 60.000%, khiến giá một lít rượu Scotch cao cấp lên tới 1 tỷ bolivar. Con số này tương đương 16 năm lương tối thiểu của người lao động tại đây. Còn các dòng giá rẻ cũng có giá nhiều triệu bolivar.

Một nhân viên pha chế đang làm cocktail với rượu rum tại Venezuela. Ảnh: Bloomberg

Một nhân viên pha chế đang làm cocktail với rượu rum tại Venezuela. Ảnh: Bloomberg

“Ai mà chịu được cú sốc như thế chứ?”, Alfredo Camacho (24 tuổi) – một sinh viên đại học kiêm quản lý bán hàng cho biết khi đang xem bóng đá tại một quán bar ở Caracas. Anh nhớ lại những ngày cùng bạn bè ra ngoài ăn uống, chia nhau một chai whisky. Còn giờ, Camacho đành hài lòng với rượu rum, hoặc bia. “Bây giờ, tôi phải học cách yêu thích mọi thứ”, anh nói.

Các cửa hàng rượu bình thường không còn nhập whisky và những loại rượu đắt đỏ nữa. Tuy nhiên, tại một cửa hàng ở phía Đông Caracas, whisky vẫn được bày phía trong.

Trên Bloomberg, người chủ cho biết trước đây mỗi tháng, khách của ông mua 2.500 chai rum và khoảng 300 chai whisky Scotch. Nhưng mới cách đây không lâu, tình hình hoàn toàn ngược lại.

Giá dầu lao dốc và quản lý kinh tế yếu kém trong thời gian dài đã đẩy Venezuela vào một cuộc khủng hoảng từ năm 2014. Giá cả tại đây liên tục tăng vọt, tình trạng thiếu thốn nhu yếu phẩm xảy ra tràn lan và đồng bolivar giờ cũng gần như chẳng còn giá trị.

Những thứ xa xỉ như rượu whisky vì thế cũng xếp cuối danh sách đồ ưu tiên của người Venezuela. Họ đã phải rất chật vật mới từ bỏ được thức uống này.

Tại quốc gia Nam Mỹ, whisky Scotch không chỉ là một loại đồ uống. Nó còn là biểu tượng cho địa vị xã hội, gợi nhớ thời hoàng kim của kinh tế thập niên 70, khi giá dầu còn ở mức cao, tín nhiệm quốc gia còn là AAA và người Venezuela nổi tiếng với những chuyến du lịch kiêm mua sắm trong ngày tới Miami (Mỹ).

Giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng này cũng có mặt tốt. Vì nó mang người Venezuela đến gần hơn với sản phẩm địa phương được đánh giá hàng đầu thế giới. “Chúng tôi chưa bao giờ nhận ra mình lại có loại rượu rum ngon đến thế. Vì nó ít được để ý quá”, Miro Popic – tác giả cuốn “Venezuela on the Rocks” cho biết.

Dù vậy, có nhiều thứ vẫn rất khó thay thế. Người ta thường nói “whisky” để chụp ảnh khi nâng cốc. Nhưng ở Venezuela bây giờ, chẳng ai có thể nói “rum” khi đó cả.

Hà Thu (theo Bloomberg/CNN)

Theo : vnexpress.net

[elementor-template id=”16904″]

Trending

CEO Pfizer được chọn là CEO của năm

Albert Bourla được chọn vì những gì Pfizer đã làm trong năm qua, giúp kinh…

Ông Trương Văn Phước: Gói hỗ trợ kích thích, câu hỏi đầu tiên – tiền đâu?

Về phương án huy động vốn để thực hiện gói hỗ trợ, ông Trương Văn…

Anh thử nghiệm vắc xin Covid-19 thế hệ 2 là miếng dán trên da

Vắc xin Emergex dạng miếng dán sử dụng tế bào T để tiêu diệt tế…

Pfizer công bố thuốc viên trị Covid-19 “hiệu quả 89%”

Hãng dược Pfizer (Mỹ) ngày 5-11 cho biết thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ…