158 chung cư không chịu bàn giao phí bảo trì
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội với Sở Xây dựng về việc quản lý chung cư trên địa bàn.
Đại diện đoàn giám sát cho hay hiện Hà Nội có 158 chung cư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì, khiến cho toà nhà nếu gặp hư hại, hỏng hóc, cháy nổ thì… không biết lấy tiền đâu sửa chữa, khắc phục.
Tại cuộc giám sát, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cho hay, trên địa bàn thành phố còn khoảng 270 tòa chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sử dụng nhiều năm nay, đã lấp đầy dân cư nhưng chưa thành lập được ban quản trị, chưa bàn giao được quỹ bảo trì, chưa phân định được diện tích chung riêng, chưa bàn giao được hồ sơ.
Trong đó, có 109 nhà chung cư chưa bàn giao diện tích sinh hoạt cộng đồng và 158 chung cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì.
“Vấn đề này nảy sinh từ nhiều năm nay, tại sao giải quyết được theo chỉ đạo của TP? Ở đây có trách nhiệm của chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp phường, quận, đến Sở xây dựng” – ông Quân chỉ rõ.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho hay ông vừa nhận được đơn của người dân tại toà chung cư CT5AB – Văn Khê phản ánh những bức xúc của người dân trong vấn đề quản lý vận hành toà nhà của chủ đầu tư. “Hợp đồng khi rao bán rất hay, ký kết rất rõ, nhưng bán xong là xong. Còn lại toàn bộ bảo trì, vận hành hệ thống, hướng dẫn vận hành là sổ toẹt trách nhiệm…” – ông Nam nói và cho rằng đây là vấn đề bức xúc cần nhà nước vào cuộc, cần thiết toà án phải vào cuộc để giải quyết tranh chấp .
Quản lý vận hành chung cư tại Hà Nội đang có rất nhiều vấn đề tồn tại được đoàn giám sát chỉ ra.
Theo ông Nam, pháp luật về vấn đề này (quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở) đã chỉ rất rõ nếu không bàn giao quỹ bảo trì thì trách nhiệm thuộc về UBND cấp tỉnh, thành phố “phải cưỡng chế 70% quỹ bảo trì nằm trong hợp đồng mua bán để trả về cho Ban quản trị toà nhà”.
Chính vì vậy các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt nếu không rất dễ xảy ra các sự cố “cháy nhà, sập nhà, thang máy tụt rơi” đe doạ tính mạng của người dân vì toà nhà không được bảo trì.
Ông Nam cũng kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội nên có hướng dẫn, tư vấn các tòa chung cư lựa chọn những đơn vị đủ năng lực để đấu thầu vận hành, khai thác tòa nhà. Theo đó, TP sẽ cấp phép cho các đơn vị này như cấp phép xây dựng để họ vận hành khai thác toà nhà và đủ năng lực ứng phó với các sự cố nảy sinh.
Nếu không rất dễ xảy ra chuyện (Ban quản trị toà nhà – PV) “cầm một đống tiền nhưng cháy nhà không biết đường nào sửa chữa, thang máy hỏng không biết làm sao”.
Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận vấn đề đoàn giám sát nêu đều rất đúng, sở sẽ tiếp thu các ý kiến để kiến nghị với TP giải quyết xử lý. Theo ông Dục các mâu thuẫn trong quản lý vận hành chung cư hiện nay rất nhiều, rất bức xúc, nhưng tất cả đều xoay quanh chuyện “một ông giữ tiền không chịu bàn giao, sợ bàn giao xong thì ông kia chạy mất”.
“Chúng tôi đã gọi điện cho lãnh đạo 6 quận, không chủ tịch, bí thư quận nào gửi cho tôi một tờ kiến nghị. Tôi chỉ mong nhận được để xây dựng dự thảo chuyển thành phố quyết định cưỡng chế thẳng vào tài khoản của nhà đầu tư thì họ mới sợ”, ông Dục chia sẻ.
Ông Dục cho hay mặc dù không nhận được kiến nghị nào nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang tiếp tục xây dựng các chế tài mạnh để kiến nghị với cấp có thẩm quyền nhằm xử lý đơn vị vi phạm.
Cũng theo ông Dục, trong tháng 4-2018, Sở Xây dựng sẽ hoàn thành dự thảo quy trình cưỡng chế, từ đó thành lập các tổ công tác để giải quyết các vấn đề tồn tại trong quản lý, vận hành nhà chung cư. Trong đó tập trung vào các vấn đề như quỹ bảo trì, diện tích chung riêng và bàn giao hồ sơ.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh